NẤM TẮC KÈ TRÊN CÂY THANH LONG

Nấm tắc kè là bệnh hại nguy hiểm cho cây thanh long, gây thiệt hại nặng nề đến năng suất và kinh tế VÌ bào tử nấm bệnh phát tán và lây lan với mức độ rất nhanh. 

Nấm tắc kè còn gọi với tên khác như: bệnh đốm trắng, đốm nâu do bệnh hại này có biểu hiện thay đổi liên tục theo từng giai đoạn.

Tác nhân gây hại của bệnh nấm tắc kè trên cây thanh long

Bệnh nấm tắc kè trên cây thanh long do nấm Neoscytalidium dimidiatum gây ra.

Triệu chứng, biểu hiện của bệnh nấm tắc kè trên cây thanh long

Trên cành

Ban đầu vết bệnh là những vết lõm tròn nhỏ màu trắng. Về sau khi gặp điều kiện thích hợp với độ ẩm cao thì vết bệnh nổi lên tạo thành những đốm tròn màu nâu vàng.

Khi bệnh phát triển mạnh, bệnh tăng cấp độ bệnh hại lên thì các vết bệnh tạo thành những nốt sần sùi nhô lên trên cành thanh long, nhìn qua có nét giống như da của con tắc kè. Nếu gặp trời mưa, vết bệnh sẽ bị thối nhũn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cành, đến mạch lưu dẫn chất dinh dưỡng, nước và khả năng quang hợp của cây thanh long.

Trên trái

Cũng giống như trên cành, các vết bệnh trên trái thanh long cũng là những đốm tròn lồi nằm rải rác trên bề mặt trái, gây ảnh hưởng đến chất lượng trái khi thu hoạch. 

Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh nấm tắc kè trên cây thanh long:

Bào tử nấm Neoscytalidium dimidiatum có tốc độ phát tán và lây lan rất nhanh.

  • Nấm bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa khi độ ẩm tăng cao, nhiệt độ trung bình từ 22 đến 30oC.
  • Nấm bệnh thường phát triển mạnh khi độ pH đất thấp hoặc quá cao, đất nghèo chất hữu cơ và thiếu nước.
  • Nấm Neoscytalidium dimidiatum có khả năng kháng thuốc rất mạnh chính vì thế bà con nông dân cần phun thuốc phòng ngừa loại bệnh này từ sớm.

Biện pháp phòng trừ và điều trị bệnh nấm tắc kè trên cây thanh long

Biện pháp canh tác

  • Thường xuyên thăm vườn, kiểm tra cây thanh long để sớm phát hiện mầm bệnh và có biện pháp điều trị bệnh nấm tắc kè kịp thời
  • Khi phát hiện cành bệnh, bà con nông dân nên cắt bỏ những cành bị nhiễm bệnh nặng và tiêu huỷ chúng để ngăn chặn sự lây lan của nấm bệnh.
  • Bón phân bón gốc cân đối, đầy đủ dinh dưỡng đa lượng.
  • Kết hợp bón phân bón lá, bổ sung dinh dưỡng từ phân trung lượng & vi lượng.
  • Bón phân hữu cơ hoai mục kết hợp ủ cùng nấm đối kháng để bón cho cây theo tỉ lệ phù hợp.
  • Thường xuyên chăm sóc, dọn dẹp tàn dư, cỏ dại trong vườn để vườn được thông thoáng, giảm độ ẩm trong vườn.
  • Kiểm tra độ pH đất định kỳ, giữ đất luôn tơi xốp, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có lợi phát triển.
  • Nên rửa vườn sau khi thu hoạch để rửa sạch các bào tử nấm bệnh, nguồn bệnh trong vườn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *