Vì sao “được mùa mất giá” vẫn là điệp khúc buồn mỗi khi vào vụ thu hoạch? Lâu nay, câu chuyện được mùa mất giá, hàng hóa nông sản bị ách tắc bởi không tìm được đầu ra sau mỗi vụ thu hoạch.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do việc đổi mới phương thức sản xuất
trong nông nghiệp còn chậm, sản xuất manh mún, chuyển dịch cơ cấu cây trồng chủ yếu do tự phát, theo phong trào, thiếu bền vững; sản xuất chưa gắn với nhu cầu thị trường; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế, giá cả bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do, tiềm ẩn yếu tốt bất ổn.
Để tránh tình trạng đó xảy ra trước khi tiến hành trồng loại cây gì cần tìm hiểu kỹ về thông tin thị trường cũng như vấn đề quy hoạch của nó. Nông dân cần xem xét cây trồng của mình đã có nhiều vùng trồng chưa, tránh tính trạng sản xuất ồ ạt.
Mặt khác, vai trò định hướng, tư vấn của ngành nông nghiệp và các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương cũng rất quan trọng. Các tổ chức đơn vị này cần thông tin tuyên truyền định hướng cho người dân về công tác quy hoạch, quản lý vùng trồng và vận động người dân thực hiện đúng quy hoạch, đồng thời đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về mặt thị trường cũng như các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với đó là triển khai đồng bộ giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm theo “dây chuyền” giá trị thương mại như nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong quy trình sản xuất, chế biến…; kết nối sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu thông qua các hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, kiểm định, tiêu thụ sản phẩm…
Đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác xã để bà con sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với các doanh nghiệp. Khi bà con làm theo quy trình được chứng nhận GlobalGAP mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, mở rộng đầu ra, giá cả cao hơn thay vì chỉ phụ thuộc vào đầu ra trong nước.