Bí đao là một loại cây leo hàng năm, cây phát triển rất mạnh có thể dài tới 6 mét, bò trên mặt đất hoặc leo lên cây, lên giàn. Trái bí đao được dùng làm thực phẩm trong bữa ăn, ngoài ra được dùng làm dược liệu trong đông y.
Bí đao chính vụ được trồng từ tháng 12 năm trước và đến đầu tháng 3 năm sau. Tuy nhiên bí đao có thể trồng ở vụ đông từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, kỹ thuật trồng bí đao trái mùa không khó, năng suất bí vụ đông không cao như trồng chính vụ nhưng bán được giá nên cho hiệu quả kinh tế cao.
Chọn giống:
- Một số giống đang được trồng phổ biến hiện nay là Fuji 868; Thiên thanh 5, bí xanh số 1, số 2, bí xanh Tre Việt, ….
- Lượng giống cần cho 1 sào Bắc bộ khoảng 15 – 20g, tương đương khoảng 400 – 500 hạt.
Ươm cây con:
- Để chủ động đẩy nhanh thời vụ cũng như đảm bảo sự đồng đều của cây giống khi đưa ra ruộng nên tiến hành ươm cây con trước, có thể dùng bầu nilon hoặc khay để ươm.
- Giá thể ươm gồm đất nhỏ + phân chuồng hoai mục tỷ lệ 1 : 1.
- Cách đơn giản và không tốn nhiều chi phí đó là dùng bùn để ươm. Bùn được lấy trước khi ươm 2 – 3 ngày cho thoát khí độc, trải đều một lớp mỏng 1,5 – 2 cm, để bùn ráo mặt kẻ ô ươm theo kích thước 3 x 3 cm, tra hạt đã nảy mầm lên, sau đó rắc lớp đất bột dày 1 cm, nên làm vòm che để tránh mưa.
Về thời vụ:
- Bí xanh là cây trồng ưa ấm nên trồng được càng sớm càng tốt.
- Nên gieo hạt từ 1 – 15/9, tốt nhất nên đưa cây ra ruộng trong tháng 9, muộn nhất đến ngày 10/10.
Làm đất:
- Bí xanh trong vụ Đông nên trồng bò trên ruộng, không nên trồng giàn vì trong vụ đông là mùa khô, nếu cho leo giàn khi gặp các đợt gió hanh khô lá bí dễ bị khô táp, kém ra hoa, đậu quả.
- Cần chọn đất trồng bí ở nơi cao ráo, dễ thoát nước, tưới tiêu chủ động.
- Luống bí bò rộng 4m, rãnh vét sâu 25 – 30 cm, rộng 30 – 40 cm, bố trí theo hướng nước chảy để tiện tháo nước.
- Trướckhi xuống giốg cần xử lý kỹ đất, phòng ngừa nấm bệnh trong đất phát triển hại cây, sử dụng thêm Chế phẩm NẤM RỄ – XỬ LÝ NẤM BỆNH TRONG ĐẤT rải đều khi làm đất.
- Làm đất theo phương pháp tối thiểu, rạch hàng định luống, rãnh trước, lấy đất vét ở rãnh lên để trồng cây và phủ phân. Gốc rạ để nguyên, khi bí bắt đầu bò ngả thì mới cắt rải ra trên mặt luống cho bí bò lên trên.
Phân bón:
- Tổng lượng phân bón cho 1 sào bắc bộ như sau:
+ Phân chuồng: 300 – 400kg.
+ Vôi: 10 – 15 kg (đất chua có thể tăng đến 20 – 25 kg).
+ Lân super: 25 kg
+ Đạm Urê: 12 – 14 kg
+ Kaliclorua: 10 kg
Có thể dùng các loại NPK tổng hợp và cần quy đổi ra lượng đơn tương ứng.
- Cách bón:
– Bón vôi khi làm đất lần cuối (trước khi lên luống)
– Bón lót toàn bộ phân chuồng và 20 kg lân, 3 kg phân đạm và 2 kg kali, bón bằng cách rạch làm hai hàng trên luống để bón lót không trùng với hàng trồng.
– Bón nhử: Sau trồng 7 – 10 ngày bón nhử bằng cách hòa 1,5 kg đạm + 5 kg lân với nước và tưới.
– Bón thúc 1: khi cây bắt đầu ngả ngọn bò, bón 3 kg phân đạm + 2 kg kali.
– Bón thúc 2: trước ra hoa cái, bón 3 kg phân đạm + 2 kg kali
– Bón thúc 3: Sau khi đậu quả rộ, bón 3 kg phân đạm + 2 kg kali
Chú ý: khi bón trực tiếp vào đất phải rắc xung quanh gốc vì rễ bí ăn rộng và phủ đất lên trên để tránh mất phân, tăng hiệu quả bón phân. Có thể bổ sung phân bón lá giai đoạn sau trồng, trước và sau khi đậu quả.
Chăm sóc:
- Cần thường xuyên tưới nước để giữ ẩm cho đất, giúp bộ rễ của cây phát triển mạnh, ăn rộng, cây phát triển tốt. Nếu bị mưa ngập cần tháo hết nước ngay vì bí xanh không chịu ngập úng
- Khi cây được 50 cm, dùng đất chặn ngang đốt, cách 1 – 2 đốt lại chặn để cho bí ra rễ bất định, tăng khả năng lấy chất dinh dưỡng nuôi quả sau này, hướng ngọn bí vào giữa luống
- Tỉa bỏ bớt nhánh, chỉ để 2 – 3 nhánh/cây nếu thu quả non, để nhánh chính nếu thu quả già.
- Dùng rơm, rạ phủ mặt luống khi bí bắt đầu bò ngả để giảm cỏ dại, quả bí nằm lên trên sẽ không bị thối.
- Thường xuyên chú ý theo dõi để phát hiện và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật.