Gia đình ông Nguyễn Viết Thanh ở ấp 2, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành trồng 1 ha tre lấy măng. Cứ 2 ngày ông cắt măng 1 lần, mỗi lần thu được trên 350kg. Thời điểm này đang là mùa chính vụ, 1kg măng ông bán 8.000 đồng. Từ tháng 10 đến tháng 12, mùa trái vụ, 1kg măng có giá trên 20 ngàn đồng. Mỗi năm, gia đình ông lãi ít nhất 400 triệu đồng từ trồng tre lấy măng. Ông Thanh cho biết, đây là loại cây trồng không quá phức tạp, chỉ cần tưới nước, bón phân là cây cho măng, hiệu quả kinh tế ngang với trồng sầu riêng. Nếu làm được măng nghịch mùa thì giá còn cao hơn nữa.
Thấy được hiệu quả từ trồng tre lấy măng, hơn 5 năm trước khi giá cao su liên tục giảm, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến cùng ở ấp 2, xã Thành Tâm đã cưa 7 sào cao su chuyển qua trồng tre lấy măng. Đến nay, mỗi năm gia đình chị thu khoảng 20 tấn măng, thu lời 170 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cắt tỉa, phân bón. Chị Tuyến cho biết, trồng tre nhàn hơn trồng cao su rất nhiều, lại không phải thức đêm. Một năm nhà nông chỉ cần đào đất xung quanh đắp lên gốc tre 1 lần, sau đó tưới nước, bón phân là có măng thu hoạch. Vào mùa thu hoạch, cách 1 ngày cắt măng bán 1 lần vào sáng sớm và có thương lái đến tận vườn thu mua.
Trồng tre lấy măng là cách kiếm tiền theo kiểu “làm chơi, ăn thật” vì công sức bỏ ra không nhiều nhưng lại có nguồn thu khá. Trung bình 1 ha trồng 300 bụi tre, chi phí hết 50 triệu đồng, sau 1 năm trồng là có măng. 3 năm sau, mỗi bụi tre này cho thu trên 500kg măng mỗi năm. Xã Thành Tâm hiện có khoảng 150 ha tre lấy măng. Đây cũng là xã trồng nhiều tre lấy măng nhất trong tỉnh. Chính vì trồng nhiều tại một khu vực nên việc xuất bán măng của người dân nơi đây cũng rất thuận lợi. Sản phẩm làm ra đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó, nhiều năm qua, chưa bao giờ sản phẩm măng tre nơi đây bị ế hàng.