ĐẤT NHIỄM MẶN VÀ BIỆN PHÁP CẢI TẠO ĐẤT

Đất nhiễm mặn có thể gây nhiều khó khăn cho việc trồng trọt, nhưng vẫn có các phương pháp xử lý và cải tạo để cải thiện đất và giúp cây trồng phát triển.

Đất nhiễm mặn là gì? Tại sao đất bị nhiễm mặn?

Đất nhiễm mặn là tình trạng đất bị tích tụ quá nhiều muối, gây cản trở quá trình trồng trọt và sinh trưởng của cây trồng. Tình trạng này thường xảy ra ở những khu vực có khí hậu khô hạn hoặc ven biển, nơi mà nước biển thẩm thấu vào đất liền hoặc nước tưới có chứa nhiều muối. Đất nhiễm mặn không chỉ làm giảm năng suất cây trồng mà còn gây thoái hóa đất nghiêm trọng.

Hiểu một cách đơn giản hơn, đất chứa nhiều muối thì cường độ bốc hơi nước từ đất cũng tăng cao. Theo đó, đất mất dần độ ẩm, cây mất nước, không đủ nước để vận chuyển các chất dinh dưỡng nuôi cây. Dẫn đến tình trạng cây không nảy mầm, sinh trưởng phát triển kém, chết cây.

Nguyên nhân gây ra đất nhiễm mặn

Đất nhiễm mặn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Nước biển xâm nhập: Khi nước biển tràn vào đất liền hoặc các tầng nước ngầm bị nhiễm mặn.
  • Nước tưới nhiễm mặn: Sử dụng nước tưới có chứa lượng muối cao trong thời gian dài.
  • Khí hậu khô hạn: Lượng mưa ít và nhiệt độ cao làm tăng tốc độ bốc hơi, dẫn đến tình trạng tích tụ muối trong đất.
  • Hoạt động nông nghiệp: Việc sử dụng phân bón hoá học và các hoá chất khác cũng góp phần làm gia tăng mức độ nhiễm mặn của đất.

Những đặc điểm của đất bị nhiễm mặn

  • Thành phần cơ giới nặng, có tỷ lệ sét cao (50% – 60%).
  • Trong đất chứa nhiều muối tan như: Na2S04, NaCl.
  • Khi kiểm tra thì có phản ứng trung tính hay có hơi tính kiêm.
  • Đất nhiêm mặn sẽ không còn độ tơi xốp, nghèo mùn, đạm.
  • Các vi sinh vật trong đất nhiêm mặn hoạt động yếu.

Một số cách xử lý đất nhiễm mặn hiệu quả

Xử lý bằng biện pháp bón vôi

  • Ở Đồng bằng sông Cửu Long, người dân sử dụng vôi (CaCO3) để cải tạo đất nhiễm mặn. Vôi kết hợp với các ion muối trong đất, giúp giải phóng Na+ ra khỏi keo đất, từ đó thuận lợi cho việc rửa mặn. Sau khi bón vôi, cần tưới nước sạch để rửa trôi các ion muối.
  • Bón vôi cũng giúp tăng cường chất hữu cơ trong đất, hỗ trợ vi sinh vật có lợi phát triển, giảm hàm lượng đất sét và tăng tỷ lệ các hạt limon, keo, làm cho đất tơi xốp hơn. Ngoài ra, vôi giúp cây trồng giải độc, loại bỏ độ mặn của đất và tăng độ pH.
  • Liều lượng bón vôi sẽ thay đổi tùy vào mức độ nhiễm mặn của đất. Sau khi bón vôi, bổ sung thêm phân xanh và phân hữu cơ để tăng lượng mùn, cải thiện cấu trúc đất và tăng cường hoạt động của vi sinh vật. Các biện pháp này giúp cải thiện chất lượng đất và tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển.

Rửa mặn bằng hệ thống thủy lợi

Thủy lợi là phương pháp phổ biến nhất để cải tạo đất nhiễm mặn, vì đất mặn chứa nhiều muối hòa tan như sulfate, chloride Na, Mg và Ca, dễ dàng rửa trôi bằng nước ngọt hoặc nước mưa.

Khi áp dụng thủy lợi, cần thực hiện các bước sau:

  • Đưa nước ngọt vào ruộng: Đồng thời tiến hành cày, xới và sục đất. Sau đó, ngâm ruộng trong một thời gian để muối hòa tan vào nước.
  • Rút nước khỏi ruộng: Tháo nước dẫn ra kênh, mương hoặc sông để loại bỏ muối ra khỏi khu vực đất trồng.

    Xây dựng hệ thống thủy lợi giúp cung cấp đủ nước tưới tiêu cho cây trồng, loại bỏ muối khỏi đất và hạ thấp mực nước ngầm, ngăn ngập úng cho rễ cây.

    Lưu ý, lượng nước cần thiết phụ thuộc vào độ mặn trong đất, loại cây trồng và đặc tính của đất. Việc này đảm bảo quá trình xử lý mặn đạt hiệu quả cao nhất.

    Xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt khử mặn cho đất

    • Tưới nhỏ giọt: Là một phương pháp hiệu quả trong xử lý đất mặn. Ngoài việc tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt còn giúp tăng năng suất cây trồng.

    Áp dụng biện pháp canh tác

    Kỹ thuật canh tác: Cày sâu không lật, xới nhiều lần để cắt đứt mao quản làm cho muối không bốc lên mặt ruộng. Cải tạo đất bằng cách luân canh cây trồng và vật nuôi là một biện pháp hiệu quả. Đối với những khu vực đất mặn sát biển, nuôi trồng thủy sản và trồng cây chịu mặn là lựa chọn tốt.

    Xử lý đất mặn bằng biện pháp sinh học

    • Chọn và lai tạo cây trồng chịu mặn: Lựa chọn các loại cây trồng có khả năng chịu mặn như lúa mạch, trồng rừng trên đất mặn, bảo vệ rừng ngập mặn và các hệ sinh thái ngập mặn. Điều này giúp cây trồng vẫn phát triển tốt ngay cả khi đất bị nhiễm mặn.